Ngoài việc dùng để chế biến các món ăn giàu dinh dưỡng, lá lốt còn có nhiều tác dụng khác nhau nên lá lốt được trồng ở khắp nơi. Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt cũng rất đơn giản, các bạn chỉ cần theo dõi bài viết sau đây là có thể tự trồng được nhé.
Sơ lược về cây lá lốt
Đây là loài cây thảo, thuộc họ hồ tiêu (Piperaceae) sống nhiều năm. Thân cây lá lốt có nhiều đốt, mỗi đốt dài từ 3 – 15cm. Lá hình tim khá giống với lá trầu không, đơn nguyên, mọc so le, có màu xanh đậm. Hoa mọc từ nách lá, hoa mọc đối xứng với lá.
Cây sống ở những nơi râm mát, cây ưa bóng râm. Những loại cây này có thể được trồng hoặc mọc hoang trong rừng, nơi ẩm ướt dọc các bãi cát ven suối và phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc và Lào.
Lá lốt thường được sử dụng ăn sống như các loại rau thơm hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài là rau ăn lá, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh, khi dùng có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô.
Công dụng của cây lá lốt
- Cây lá lốt có tính nồng, ấm và chống hàn, cảm lạnh ở cơ thể người.
- Loài cây này rất lành không có độc tính nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng.
- Công dụng chính của loài cây này là dược liệu chữa các bệnh về phong hàn, thương hàn, đau nhức xương khớp, mụn nhọt, giải độc rắn cắn,…
- Lá lốt còn được dùng để nấu nước ngâm tay chân cho người bị bệnh tê thấp ở người lớn tuổi, hay đổ mồ hôi tay, mồ hôi chân.
- Ngoài ra trong Đông y, cây lá lốt còn được sắc lấy nước uống để chữa các bệnh đau bụng do lạnh, kiết lỵ, đau nhức xương khớp
- Chúng còn được kết hợp với các loại cây dược liệu khác như mã đề, rễ bưởi, rễ cỏ xước, rễ cà gai leo, … để tăng hiệu quả chữa bệnh.
- Lá lốt còn là một nguyên liệu tuyệt vời để nấu các món ăn như bò lá lốt, canh lá lốt, chả băm viên lá lốt, ốc nấu chuối đậu,…
- Lá lốt có thể sử dụng tươi sống hoặc phơi khô dùng dần. Để không xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn khác, một người không nên ăn quá 100g lá lốt tươi mỗi ngày.
Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống cây lá lốt
Dụng cụ trồng cay lá lốt
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây lá lốt. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Đất trồng cây lá lốt
Lá lốt là cây chịu rợp, ưa ẩm, có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây sẽ phát triển tốt nếu được trồng trên đất nhiều mùn, giàu dinh dưỡng.
Nếu bạn trồng trong khay chậu thì có thể sử dụng đất sạch trộn sẵn chuyên dùng cho cây trồng chậu. Hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, vỏ trấu, xơ dừa.
Nếu bạn trồng ngoài đất vườn, có thể rải vôi phơi ải để xử lý các mầm bệnh có trong đất. Lên liếp: chiều cao x chiều dài x chiều ngang tương ứng với tỉ lệ sau:15 cm x chiều dài vườn x 1,2 m. Khoảng cách giữa các liếp khoảng 3 cm.
Chuẩn bị giống cây lá lốt
Lá lốt thường được trồng bằng cách giâm cành nơi ẩm ướt. Chọn những cây lá lốt sinh trưởng mạnh (lá xanh bóng, mượt, kích thước lá to) cắt thành từng đoạn dài 20 – 30cm có từ 2-4 lá để giâm.
Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt
Có 2 cách để trồng cây lá lốt:
Cách trồng lá lốt từ cành
Các hom giống đã chuẩn bị như trên đem giâm ươm vào giành, sọt, khay đã được chuẩn bị sẵn.
Đặt hom giống hơi nghiêng để phía có mầm chồi lên trên, hướng về phía mặt trời, với điều kiện ngập 2/3 đoạn thân vừa cắt. Sau đó tưới nước cho đủ ẩm tạo điều kiện cho mầm phát triển.
Đặt chậu ươm ở nơi không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Khi cây cứng cáp, ra rễ, xanh tươi trở lại thì đem ra trồng.
Cách trồng lá lốt trong chậu, trong thùng xốp
Dùng hom và gốc giống trồng thẳng ra nơi đất đã được chuẩn bị (không qua giâm ươm), với điều kiện ngập 2/3 đoạn thân vừa cắt. Hằng ngày, cây cần được tưới nước 2 lần.
Cách chăm sóc cây lá lốt
Cây phát triển tốt trong môi trường nóng và ẩm ướt trong bóng râm một phần. Khoảng nửa tháng đầu sau khi trồng, tưới nước ngày 2 lần cho cây. Sau đó, có thể 2 – 3 ngày tưới 1 lần tùy thuộc vào thời tiết.
Tỉa thường xuyên sau khi cây đạt chiều cao 2 mét để kiểm soát cây. Thường xuyên cắt tỉa và hái lá sẽ khuyến khích sự phát triển mới và lá ngọt và mềm.
Nên bón phân cho cây thường xuyên vài tháng một lần trong mùa sinh trưởng của cây bằng phân bón giàu đạm. Ngoài ra, bạn có thể bón lót cho cây bằng hữu cơ hoặc phân trộn 2-3 lần trong một năm.
Sau mỗi đợt thu hoạch, bón phân hữu cơ, phân dê, phân bò, phân trùn quế… cho cây. Thường xuyên làm cỏ, vun xới cho cây.
Ốc sên cũng rất thích lá lốt nên bạn cũng cần quan tâm, tránh để ốc sên phá hại cây.
Thu hoạch cây lá lốt
Nếu chăm sóc tốt thì cây lá lốt sẽ cho thu hoạch sau 1 tháng trồng. Tuỳ theo mục đích sử dụng mà cắt nguyên đoạn thân (chừa lại 10 – 15 cm để cho cây tái sinh) hoặc hái lá. Không hái búp và các lá chưa ổn định.
Để trồng và chăm sóc lá lốt các bạn cần phải có kiến thức nông nghiệp thì mới chăm sóc cây phát triển tốt. Hy vọng qua bài viết của datsachhuuco.com, sẽ giúp cho các bạn biết thêm các kiến thức về Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt để cây phát triển khỏe mạnh, cho thu hoạch quanh năm.